Cách tăng cường sức đề kháng cho trẻ nhỏ trong mùa nóng (giao mùa)

Vì sao trẻ dễ mắc bệnh khi giao mùa?

Khi giao mùa, trẻ dễ mắc bệnh hơn do những nguyên nhân sau:

  • Khi giao mùa, thời tiết thường có những thay đổi thất thường như nắng nóng xen kẽ mưa lớn, độ ẩm trong không khí cao… trở thành môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh sinh sôi nảy nở.
  • Trời nóng còn là nguyên nhân dễ khiến cho thức ăn trở nên ôi thiu, sữa bị hư hỏng. Lúc này, gia đình có thể còn bật quạt máy và vô tình thổi trực tiếp vào người bé.
  • Hè tới, trẻ thích vui chơi và đến những nơi đông người nhưng ý thức giữ vệ sinh cá nhân vẫn chưa tốt như chưa biết che chắn, tránh né, rửa tay… nên rất dễ bị lây nhiễm chéo, tốc độ lây truyền bệnh nhanh.
  • Trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch (sức đề kháng) còn non yếu, không thích ứng kịp với sự thay đổi của thời tiết. Do đó, trẻ dễ bị các mầm bệnh tấn công, đặc biệt là các bệnh lý ở đường hô hấp và tiêu hóa.

Vì vậy, khi thời tiết giao mùa, tình hình nắng nóng tăng cao, trẻ dễ mắc các bệnh lý như:

  • Hệ hô hấp: viêm mũi họng, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
  • Hệ tiêu hóa: nôn ói, tiêu chảy.
  • Truyền nhiễm: sốt siêu vi, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng.

Vậy các bậc phụ huynh cần làm gì để giúp con trẻ tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa các bệnh nguy hiểm trong thời điểm giao mùa?

Các biện pháp tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa bệnh

1.       CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG HỢP LÝ

a.       Ăn uống lành mạnh, đảm bảo dinh dưỡng

Từ lâu, các nhà khoa học đã nhận ra rằng, tình trạng suy dinh dưỡng sẽ làm cho con người dễ mắc các bệnh lý truyền nhiễm [10]. Từ rất nhiều công trình nghiên cứu, năm 2008, Tổ chức Y Tế Thế Giới đã tổng kết và đưa ra kết luận rằng tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu vi chất (đặc biệt là kẽm, vitamin A) là một trong những yếu tố nguy cơ khiến cho trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, trong đó nguy hiểm nhất là viêm phổi [4].

Vì vậy, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh như dưới đây là rất quan trọng, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng và phòng chống bệnh tật [9]:

  • Cung cấp nhiều rau quả, trái cây và các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt.
  • Dùng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua) nhưng ít béo hoặc không béo.
  • Chọn thịt nạc, gia cầm, cá và đậu để cung cấp đạm.

b.       Uống nhiều nước

Ba mẹ hãy khuyến khích trẻ uống nhiều nước, hạn chế thức uống có đường [9]. Vậy lượng nước uống hằng ngày bao nhiêu là đủ?

Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh (National Institute of Health and Care Excellence – NICE) đã đưa ra gợi ý theo từng lứa tuổi (Bảng bên dưới). Lưu ý rằng, những trẻ hoạt động thể chất, tiếp xúc với môi trường nóng nhiều hay trẻ béo phì cũng có thể cần nạp lượng nước nhiều hơn [1].

2.       LỊCH SINH HOẠT (VUI CHƠI, NGHỈ NGƠI) KHOA HỌC

a.       Ngủ đủ giấc

Việc ngủ đủ giấc là rất quan trọng đối với mọi người ở mọi lứa tuổi, giúp duy trì sức khỏe thể chất lẫn tinh thần tốt [3]. Vậy một ngày chúng ta nên ngủ bao nhiêu là đủ?

Viện Hàn Lâm Y Học Giấc Ngủ của Hoa Kỳ (American Academy of Sleep Medicine) từ năm 2016 đã khuyến cáo [5]:

Dưới đây là một số mẹo mà ba mẹ có thể áp dụng để giúp trẻ dễ vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn [2]:

  • Không cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi ngủ.
  • Tránh tập thể dục, tắm nước ấm hay nước nóng ngay trước khi ngủ.
  • Khuyến khích trẻ đọc sách trước khi ngủ.
  • Có thể ăn nhẹ trước khi ngủ, nhưng không dùng caffeine.

b.       Vận động vui chơi thường xuyên

Luyện tập thể dục thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để duy trì lối sống lành mạnh. Nó giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, hạ huyết áp, kiểm soát cân nặng và bảo vệ con người chống lại một số loại bệnh. Tương tự với chế độ dinh dưỡng hợp lý, việc tập thể dục thường xuyên cũng góp phần tăng cường sức khỏe tổng thể và tác động tốt lên hệ miễn dịch [10]. Hơn thế nữa, vận động đều đặn cũng giúp trẻ có tinh thần thoải mái hơn, ngủ ngon giấc hơn và học tập tốt hơn [7]. Vậy trẻ em nên vận động bao nhiêu là đủ?

  • Trẻ em từ 3 đến 5 tuổi nên vận động tự nhiên suốt cả ngày, cố gắng vận động trong ít nhất 3 giờ mỗi ngày và hạn chế thời gian ngồi yên một chỗ xem tivi, máy tính, điện thoại…
  • Trẻ em và thanh thiếu niên từ 6 đến 17 tuổi nên hoạt động thể chất ít nhất 60 phút mỗi ngày, ít nhất 3 ngày mỗi tuần. Trong 60 phút đó nên bao gồm các hoạt động thể dục liên tục giúp tim đập nhanh hơn (bơi lội, bóng đá), các hoạt động giúp làm chắc khỏe xương (chạy bộ, nhảy) và các hoạt động tăng cường sức khỏe cơ bắp (leo núi, gập bụng, hít xà).

Các yêu cầu vận động này nghe có vẻ khá nhiều cho một ngày, nhưng ba mẹ không nhất thiết phải bắt trẻ hoạt động liên tục hoặc thực hiện hết tất cả bài tập cùng một lúc. Thay vào đó, có rất nhiều cách để ba mẹ giúp trẻ sắp xếp và trải đều các hoạt động vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Ba mẹ hãy thường xuyên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thú vị, đa dạng và phù hợp với lứa tuổi [7].

Hãy nhớ rằng trẻ em thường sẽ bắt chước theo người lớn. Vì vậy, ba mẹ hãy thêm hoạt động thể chất vào thói quen sinh hoạt hằng ngày của chính mình và khuyến khích con trẻ cùng tham gia [9].

3.       GIỮ VỆ SINH TỐT

a.       Rửa tay thường xuyên và đúng cách

Mầm bệnh hiện diện ở khắp mọi nơi. Chỉ cần một cái chạm tay vào các bề mặt có mầm bệnh ẩn náu như mặt bàn, tay nắm cửa, đồ chơi… rồi sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng là trẻ đã có thể bị nhiễm bệnh. Do đó, ba mẹ hãy khuyến khích trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Đây là một trong những cách dễ thực hiện, rẻ tiền mà hiệu quả nhất để loại bỏ mầm bệnh, tránh bị nhiễm bệnh và ngăn ngừa sự lây lan của cảm lạnh, cúm và những bệnh truyền nhiễm khác cho mọi người xung quanh, đặc biệt là vào mùa nóng [6],[8].

Ba mẹ hãy hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong tối thiểu 20 giây. Nếu không có sẵn xà phòng và nước, trẻ cũng có thể rửa tay với cồn, nước sát trùng tay nhanh hay nước rửa tay khô (có nồng độ cồn phải từ 60% trở lên) để làm sạch tay [6]. Các sản phẩm này có thể giúp làm giảm nhanh số lượng mầm bệnh trên tay trong nhiều tình huống, tuy nhiên cần lưu ý:

  • Nước sát trùng tay nhanh không thể diệt hết tất cả các loại mầm bệnh.
  • Nước sát trùng tay nhanh không hiệu quả đối với chất bẩn nhìn thấy được hoặc khi tay bị dính dầu mỡ.
  • Nước sát trùng tay nhanh không loại bỏ được các hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, kim loại nặng…

b.       Che miệng khi ho, hắt hơi [6]:

Mầm bệnh có thể lây lan dễ dàng khi trẻ:

  • Ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
  • Chạm vào mặt bằng bàn tay chưa rửa sạch sau khi chạm vào các bề mặt hoặc đồ vật có mầm bệnh ẩn náu.
  • Chạm vào các bề mặt hoặc đồ vật mà người khác thường xuyên chạm vào.

Vì vậy, để giúp ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh, ba mẹ hãy hướng dẫn trẻ:

  • Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, sau đó bỏ khăn giấy đã qua sử dụng vào thùng rác.
  • Nếu không có sẵn khăn giấy, hãy ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay chứ không ho hoặc hắt hơi vào bàn tay.
  • Hãy nhớ rửa tay ngay lập tức sau khi ho hoặc hắt hơi, xì mũi.

4.       TIÊM NGỪA ĐẦY ĐỦ

Từ rất nhiều công trình nghiên cứu, năm 2008, Tổ chức Y Tế Thế Giới đã đưa ra kết luận, chủng ngừa không đầy đủ là một trong những yếu tố nguy cơ làm cho trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, trong đó nguy hiểm nhất là viêm phổi [4].

Các hiệp hội uy tín trên thế giới về Y Khoa nói chung và Nhi Khoa nói riêng đều khẳng định vaccine rất an toàn và hiệu quả. Chủng ngừa đầy đủ là một trong những điều quan trọng nhất mà ba mẹ có thể làm để bảo vệ sức khỏe cho con trẻ. Chủng ngừa còn giúp bảo vệ các trẻ học cùng lớp, người thân, hàng xóm và cộng đồng. Tiêm phòng đúng thời điểm giúp bảo vệ trẻ trước khi chúng tiếp xúc với các bệnh có khả năng lây truyền cao và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng như sởi, ho gà và thủy đậu [8].

5.       THÍCH ỨNG VỚI MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH

Từ rất nhiều công trình nghiên cứu, năm 2008, Tổ chức Y Tế Thế Giới đã tổng kết và đưa ra kết luận rằng những điều kiện môi trường sau đây là những yếu tố nguy cơ làm cho trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, trong đó nguy hiểm nhất là viêm phổi [4]:

Ô nhiễm trong chính ngôi nhà của chúng ta:

  • Ô nhiễm hàng đầu đến từ khói thuốc lá. Trẻ em dù hít khói thuốc lá thụ động từ người lớn cũng làm tăng gấp 2 lần nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
  • Các gia đình ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thói quen nấu bếp từ khói than củi. Chính khói này làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
  • Môi trường sống chật hẹp, thiếu vệ sinh, ô nhiễm không khí.

Do đó, ba mẹ hãy tuân thủ các lời khuyên sau để giúp trẻ phòng tránh các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp nói riêng và các bệnh lý nhiễm khuẩn nói chung, nhất là trong mùa nóng:

  • Tránh tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá.
  • Tránh tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh.
  • Khi trẻ ra đường nên được che chắn tránh khói bụi.
  • Bảo quản thức ăn tránh để hư mốc, ôi thiu.
  • Không ngâm nước quá lâu khi tắm, giữ ấm trẻ khi trời trở lạnh.
  • Không để quạt thổi trực tiếp vào mặt trẻ khi ngủ.

Ba mẹ cũng cần ghi nhớ những mẹo sau đây khi cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, nhằm phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến thời tiết nóng bức [8]:

  • Chọn khung thời gian vui chơi ngoài trời vào sáng sớm hoặc xế chiều trong ngày khi trời mát mẻ, hạn chế ra ngoài vào vào lúc giữa trưa khi trời quá nóng.
  • Khi vận động vui chơi, nên khởi động từ từ và tăng tốc dần dần.
  • Uống nhiều nước hơn bình thường và không chờ đến khi khát mới uống nước. Lưu ý, tình trạng chuột rút có thể là một dấu hiệu sớm của các bệnh liên quan đến nhiệt độ cao, trời nắng nóng và cơ thể thiếu nước.
  • Mặc quần áo rộng, mỏng nhẹ, vải sáng màu khi vận động ngoài trời.

Hãy để bác sĩ Jio Health đồng hành cùng bạn chăm sóc sức khỏe cho bạn và gia đình.

Hãy để bác sĩ Jio Health đồng hành cùng bạn chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa hoặc hỗ trợ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Khám cùng đội ngũ 150+ bác sĩ ưu tú có kinh nghiệm công tác tại các bệnh viện hàng đầu TP.HCM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.