4 Lưu ý quan trọng khi trẻ bị bệnh viêm mũi họng

Viêm mũi họng là một trong những bệnh lý phổ biến và thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ nhỏ. Bệnh tuy nhẹ và chóng khỏi nhưng lại dễ lây lan. Đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh. Ba mẹ cần đặc biệt lưu ý đến những điều sau khi trẻ bị bệnh viêm mũi họng.

1/ Nguyên nhân trẻ bị tai mũi họng

Viêm mũi họng do nhiễm trùng

Đa số các trường hợp trẻ bị viêm mũi họng do nhiễm trùng đều là do nhiễm virus. Có rất nhiều loại virus (trên 100 nhóm) có thể gây bệnh như nhóm coronavirus, nhóm adenovirus, nhóm virus cúm, phổ biến hơn hẳn là nhóm rhinovirus. Thông thường, các trường hợp viêm mũi họng do nhiễm virus thường lành tính và có thể tự khỏi sau 2 tuần. Tuy nhiên, nếu bị bội nhiễm vi khuẩn thì đó lại là chuyện khác, bệnh nhân bắt buộc phải điều trị thêm bằng kháng sinh nếu không bệnh sẽ chuyển thành nhiễm trùng nặng hoặc diễn biến thành viêm mạn.

Các vi khuẩn gây nên bệnh viêm mũi họng thường có: Haemophilus influenzae, phế cầu,… nhưng nguy hiểm nhất vẫn là các liên cầu nhóm A ((Streptococus pyogenes) Bởi nó có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như: Viêm cầu thận cấp, thấp tim, thấp khớp.

Viêm họng cấp không do nhiễm trùng

Ngoài những nguyên nhân trên, trẻ mắc bệnh viêm mũi họng cấp có thể là do:

  • Thời tiết thay đổi thất thường, nhất là thời điểm giao mùa
  • Trẻ thường xuyên phải tiếp xúc khói thuốc hoặc sống trong môi trường ô nhiễm
  • Thường xuyên uống nước đá lạnh
  • Trẻ đang ở môi trường nóng chuyển sang phòng điều hòa lạnh đột ngột
  • Trẻ không chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, không rửa tay thường xuyên hoặc rửa tay không đúng cách, không rửa tay bằng xà phòng, nước diệt khuẩn… để loại bỏ các vi khuẩn gây hại.
  • Trẻ đã có tiền sử mắc các bệnh tai mũi họng.

2/ Dấu hiệu của trẻ bị tai mũi họng

Triệu chứng bệnh thường xuất hiện trong vòng từ 1-3 ngày khi trẻ bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng có thể kéo dài trong khoảng 1 tuần hoặc 10 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài hơn nếu hệ miễn dịch trẻ kém. Theo các bác sĩ, trẻ nhỏ bị viêm họng cấp thường có các dấu hiệu sau:

  • Quấy khóc nhiều
  • Bú kém, bỏ bú, chán ăn (do đau rát họng)
  • Chảy nước mũi nhiều
  • Ho
  • Sốt, có thể sốt cao lên tới 39-40 độ C
  • Hay nôn trớ
  • Mệt mỏi, không chơi đùa

Với những trẻ lớn hơn, có  các dấu hiệu thường gặp như:

  • Ho khan
  • Khàn giọng
  • Nghẹt mũi, sổ mũi
  • Amidan sưng to
  • Có thể nổi hạch ở cổ
  • Đau rát cổ họng, đau họng khi nuốt

3/ Nguy hiểm của bệnh viêm mũi họng cấp

Theo các nghiên cứu, có tới hơn 80% các trường hợp lúc đầu trẻ chỉ bị bệnh viêm mũi họng do virus gây nên. Tuy nhiên, sau một vài ngày nhiễm bệnh, sức đề kháng của trẻ yếu dần, đặc biệt là đối với những trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng hoặc mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính như hen phế quản, VA thì có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.

Viêm mũi họng ở mức độ nặng có thể gây ra các biến chứng như viêm amidan, viêm tai, viêm thanh khoản, viêm xoang, viêm hạch mủ, áp xe thành sau họng. Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp phải một số các biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm cầu thận cấp
  • Viêm tim
  • Sốt cao có thể co giật
  • Nhiễm khuẩn huyết
  • Thấp khớp cấp

4/ Lưu ý quan trọng khi trẻ bị bệnh viêm mũi họng

Khi trẻ bị viêm mũi họng, có các triệu chứng như ho, sốt, nghẹt mũi… điều này khiến cho trẻ mệt mỏi và khó chịu. Vì thế ba mẹ cần chú ý các dấu hiệu để chăm sóc và giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, ba mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát, nếu nhiệt độ trong phòng cao nên mở các cửa sổ cho thông thoáng, tránh để trẻ tiếp xúc với luồng gió mạnh và theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên. Ngoài ra, cho trẻ uống nhiều nước, tăng các bữa bú để cấp nước cho cơ thể.

Nếu trẻ bắt đầu có dấu hiệu bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi lỏng thì ba mẹ có thể lau rửa mũi cho trẻ bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, nên nhỏ từ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, sau đó dùng tăm bông vệ sinh cho trẻ. Nếu dịch mũi của trẻ tiết ra nhiều và đặc, ba mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên, ba mẹ đặc biệt lưu ý không nên lạm dụng dụng cụ hút mũi bởi nó có thể tạo áp lực và gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.

Khi trẻ bị viêm mũi họng, mẹ nên cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu và giàu dinh dưỡng. Cho trẻ ăn theo nhu cầu và chia thành nhiều bữa trong ngày, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn nếu trẻ không muốn. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng có thể dùng các phương pháp dân gian để chữa viêm mũi họng cho trẻ như dùng quất mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh. Tuyệt đối không tự tiện cho trẻ sử dụng kháng sinh mà không có kê đơn và chỉ định của bác sĩ.

Trong những trường hợp trẻ bị sốt cao có hiện tượng co giật, có các dấu hiệu bất thường, ba mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện hay phòng khám nhi tai mũi họng để được các bác sĩ thăm khám kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.